WESTMINSTER - Trưa 27 tháng 6, tại Trung Tâm Vovinam Nguyễn Bá Học trên đường Chestnut thành phố Westminster, môn phái Việt Võ Ðạo làm lễ Tưởng Niệm Sáng Tổ lần thứ 50 và kỷ niệm 72 năm thành lập môn phái Vovinam - Việt Võ Ðạo.
Buổi lễ diễn ra với sự có mặt của hầu hết các võ sư chủ chốt của môn phái, như võ sư Nguyễn Dần, bào đệ Sáng Tổ Nguyễn Lộc, võ sư Lê Sáng, người được Sáng Tổ ủy nhiệm kế nghiệp, võ sư Ðinh Thành Minh và các võ sư thuộc nhiều Trung Tâm Võ Học Vovinam trên toàn nước Mỹ.
Quan khách đến tham dự có bà Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez, Nghị Viên Tạ Ðức Trí, đại diện Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Lou Correa, đại diện Tổng Hội Võ Thuật Việt Nam thế giới.
Đầu tiên là lễ chào cờ Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, trước hơn một trăm võ sinh sắp được trao đẳng lên cấp thuộc nhiều trung tâm về dự đại diện Ban Tổ Chức, võ sư Ðinh Thành Minh, nhắc lại tiểu sử của Sáng Tổ Nguyễn Lộc, sau đó hơn 10 võ sư thuộc các Trung Tâm Vovinam khắp nơi dâng hương tưởng niệm vị Sáng Tổ môn võ học của dân tộc.
Quan khách tham dự cũng đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ tinh thần võ học mang tính chất dân tộc của môn phái Vovinam mà hiện nay được mang danh là Việt Võ Ðạo.
Và cũng trong dịp này, Trung Tâm Huấn Luyện Vovinam - Việt Võ Ðạo Nguyễn Bá Học trao nhiều quà kỷ niệm đến các ân nhân và giới truyền thông báo chí, đồng thời nhận lãnh nhiều bằng khen từ các dân cử địa phương.
Việt Võ Ðạo thành hình từ những năm cuối thập niên 30s, do một thanh niên yêu nước, tên là Nguyễn Lộc, sinh tại làng Hữu Bằng, Thạch Thất Sơn Tây, sáng lập vào năm 1912. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Lộc lớn lên trong hoàn cảnh nước mất trong tay thực dân Pháp. Thế hệ thanh niên lúc ấy một phần sôi sục tham gia cách mạnh nhưng cũng có một thành phần khá lớn khác bị thực dân Pháp đưa vào các phong trào phóng đãng suy đồi. Ông nhận định: “Muốn đưa cuộc cách mạng dân tộc đến chỗ thành tựu, cần phải gây cho thanh niên một ý thức cách mạng, một tinh thần quật cường, một nghị lực quả cảm song song với một thân thể đanh thép, vững chắc, sức lực mạnh mẽ dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ.”
Từ ý thức ấy, ông gia công theo đuổi học vấn và đạo đức, nỗ lực học hỏi, luyện tập hầu hết các môn võ thuật danh tiếng. Ông nhận thấy môn võ nào của các dân tộc khác cũng có những ưu điểm và khuyết điểm nếu đem áp dụng vào thể trạng mảnh khảnh nhỏ bé của người Việt Nam. Do đó ông để tâm nghiên cứu một môn võ đáp ứng được hai nhu cầu cho người thanh niên Việt: võ thuật và tinh thần võ đạo.
Về võ thuật, ông tổng hợp những tinh vi của các môn phái khác sao cho thích hợp với thể trạng người Việt, sưu tầm áp dụng những thế võ cổ truyền, thuần túy dân tộc như các môn vật, lấy nhu thắng cương...
Về tinh thần võ đạo, ông hết sức lưu tâm đạo lý nhân hậu Ðông phương, danh dự của tổ quốc, và lòng yêu nước nồng nàn.
Có được chủ đích trên, ông Nguyễn Lộc đem ra thực hành và huấn luyện cho một số bạn bè thân hữu cùng lứa tuổi vào năm 1938. Lớp học võ đầu tiên đạt được kết quả khả quan như ý nguyện nên năm 1939, võ sư Nguyễn Lộc tổ chức cuộc biểu diễn đầu tiên cho các võ sinh Võ Việt Nam trình diễn trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công ngoài dự tưởng, được thanh niên Hà Nội nô nức đua nhau đến học và Hội Thân Hữu Thể Dục đã mời ông cộng tác tổ chức những lớp võ học công khai cho giới thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ.
Nhưng vì sự can cường, không muốn thân mật với giới cầm quyền Pháp, năm 1942, trong lúc Vovietnam trở thành phong trào trong giới thanh niên Hà Nội thì thực dân Pháp ra lệnh đình chỉ các lớp võ học của võ sư Nguyễn Lộc và cấm võ sư hoạt động. Nhưng võ sư Nguyễn Lộc đã cùng các võ sinh trong môn phái bí mật mở rộng trên khắp đất nước, gieo tinh thần võ đạo trong tầng lớp thanh niên sôi sục chống Pháp.
Cuối năm 1945, kháng chiến chống Pháp nổ ra, võ sư Nguyễn Lộc cũng như bao thanh niên thời đại lên đường theo kháng chiến, nhưng võ sư đã sớm nhận ra cuộc kháng chiến của dân tộc đang bị cộng sản lợi dụng, ông trở về thành để hoạt động riêng, lập ra tổ chức Việt Nam Võ Sĩ Ðoàn, quy tụ được nhiều tầng lớp thanh niên trong chế độ quốc gia.
Sau năm 1954, võ sư Nguyễn Lộc mở rộng hoạt động tại miền Nam trong hai chế độ Ðệ I và Ðệ II Cộng Hòa. Môn Vovinam được cải danh thành Việt Võ Ðạo, có mặt trong tất cả các trường học miền Nam, trong các quân binh chủng QLVNCH, trong lực lượng cảnh sát và các lực lượng bán quân sự VNCH. Những nhà dìu dắt võ học như võ sư Kiều Công Lan, Tôn Thất Lăng v.v... đã là những tên tuổi quen thuộc trong giới quân nhân VNCH.
Nay tại hải ngoại, Việt Võ Ðạo đang được các võ sư trong môn phái phát triển ra gần 30 quốc gia, thu hút được nhiều võ sinh người địa phương.
Ðối với cộng đồng người Việt cả trong và ngoài nước, Vovinam - Việt Võ Ðạo - không chỉ là môn phái võ thuần túy mang tính chất võ học dân tộc mà còn là một Võ Ðạo trong đó môn sinh ngoài sự rèn luyện võ học dân tộc, còn được trui rèn lòng yêu nước với tinh thần võ đạo Việt Nam, lấy nhu thắng cương, uy vũ bất năng khuất của tổ tiên đã từng bao lần triệt tiêu mộng bá chủ của nước Trung Hoa to lớn sát cạnh.